R.I.C.E – nguyên tắc sơ cứu chấn thương thể thao

Nguyên tắc sơ cứu chấn thương, phương pháp R.I.C.E được chuyên gia y tế khuyến cáo rộng rãi, dễ nhớ, dễ áp dụng và cần thiết.

Chấn thương phần mềm trong thể thao có thể dẫn đến đau, sưng, chảy máu (trong hoặc ngoài) và viêm. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh chia sẻ, khi gặp phải các chấn thương này, biện pháp xử lý ngay tức khắc là áp dụng phương pháp sơ cứu R.I.C.E.

RICE chính là Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương).

Rest – nghỉ ngơi

Sau khi chấn thương, bạn nên hạn chế vận động ở vùng bị thương. Bạn cần tạm ngừng những hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian đi lại, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn, cơ thể có thời gian phục hồi. Nếu bị chấn thương ở chân, khi cần đi lại, bạn nên sử dụng nạng hay gậy để chống đỡ bớt phần nào trọng lượng cơ thể lên chân.

Ice – chườm lạnh

Với trường hợp bong gân và giãn dây chằng, chườm đá là phương pháp rất hữu dụng để giảm sưng và đau. Trong khoảng 48-72 giờ sau khi chấn thương, bạn cần chườm đá càng sớm càng tốt. Mỗi lần chườm lạnh nên kéo dài khoảng 15-20 phút. Thời gian nghỉ giữa các lần là khoảng 120-180 phút. Trong 24 giờ đầu sau chấn thương, biện pháp này cần được tiến hành thường xuyên, thời gian nghỉ giữa các lần khoảng 30-60 phút.

Bạn có thể sử dụng nước đá hay đá chưa tan đập nhỏ rồi đặt vào trong chiếc khăn bông ẩm hoặc túi chườm, tránh để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp vùng da bị tổn thương. Bạn xoa nhẹ thường đường tròn đồng tâm khoảng 5-10 phút tại khu vực bị thương. Bạn chỉ nên chườm đá trong khoảng 20 phút trở xuống. Vì chườm quá lâu có thể khiến da bị tê cóng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của vết thương.

Compression – băng ép

Bạn có thể dùng băng vải hoặc băng thun để cố định vùng chấn thương, tạo điểm vững chắc cho vùng cơ khớp bị chấn thương. Bạn không nên băng quá chặt vì có thể gây cản trở lưu thông máu, khiến cơn đau trầm trọng hơn. Nếu sau khi quấn băng gạc, bạn cảm thấy đau hơn hay kèm theo tình trạng sưng, tê ở khu vực được quấn thì nên nới lỏng ra. Băng ép vùng chấn thương nên được thực hiện giữa các đợt chườm lạnh.

Elevation – kê cao vị trí chấn thương

Bạn nên nâng cao khu vực tổn thương ở trên tim, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu tổn thương ở chân, bạn nên kê cao chân ở tư thế nằm. Với tổn thương ở tay, bạn nên treo tay bằng đai treo tay. Ngoài 4 nguyên tắc chăm sóc chấn thương phần mềm R.I.C.E, người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau không kê toa như paracetamol hay ibuprofen. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc.

Sau chăm sóc và điều trị tích cực khoảng 2 ngày, vị trí tổn thương sẽ được cải thiện, không còn cảm giác đau, có thể cử động nhẹ nhàng. Với trường hợp bị bong gân ở chân, khi di chuyển mà không còn bị đau nhức, bạn đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, bạn vẫn cần hạn chế vận động mạnh. Vì gân, dây chằng bị giãn có thể cần đến nhiều tháng để phục hồi hoàn toàn. Nếu chấn thương nghiêm trọng hơn như đứt dây chằng, người bệnh có thể cần đến phẫu thuật, phục hồi vận động bằng vật lý trị liệu sau phẫu thuật.

R.I.C.E phù hợp với các chấn thương từ nhẹ đến trung bình. bác sĩ khuyên, áp dụng phương pháp này đối với các chấn thương như: bong gân, bầm tím, căng cơ, giãn dây chằng.

Nguồn: ST Anh Đài VNE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *